Sáng thứ 6 (19/7) TS. Phan Đạo, Giám đốc Trung tâm hợp tác Châu Âu (ECC) đã đưa đoàn sinh viên Trường đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) hiện đang học tập và thực tập theo chương trình trao đổi sinh viên giữa TDTU với Trường đại học kỹ thuật Ostrava (ĐHKT Ostrava) đến tham quan Trường đại học Tomas Bata, TP Zlín (ĐH Tomas Bata). Hai Trường (ĐHKT Ostrava và ĐH Tomas Bata) là đối tác chiến lược của TDTU.
GS. P. Saha, Phó hiệu trưởng (nguyên Hiệu trưởng, Chủ tịch Hiệp hội polymer thế giới) cùng cô J. Skloudikova, Trưởng phòng marketing và ông P. Tichácek, thư ký Hiệu trưởng đã niềm nở và vui vẻ đón chào đoàn. GS. Saha đã giới thiệu cho các em sinh viên về Trường, mang tên Ngài Tomas Bata, doanh nhân nổi tiếng nhất của Cộng hòa Tiệp Khắc nay là CH Séc và Slovakia, được mệnh danh là “Vua giày thế giới”. Trường có 6 Khoa, Viện đại học và Công viên công nghệ với gần 10 ngàn sinh viên. Trường có hơn 100 ngành, chuyên ngành đào tạo, trong đó có hơn 1/3 (35 chuyên ngành) được đào tạo bằng tiếng Anh. GS Saha nói vui, rằng Trường có đủ tất cả các ngành đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của sinh viên TDTU.GS cũng cho biết, nếu các em học bằng tiếng Séc thì không phải đóng học phí, còn học các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thì phải đóng học phí. Nhiều chuyên ngành rất thú vị và bổ ích cho sinh viên Việt Nam. Ra trường có luôn việc làm.
Sau gần 1 giờ hội thoại với GS Saha, các em sinh viên đã được cô Skloudikova hướng dẫn đi tham quan thư viện, một trong các thư viện đẹp nhất của CH Séc, tham quan biệt thự và trụ sở làm việc của Ngài Bata, hiện nay là trụ sở của Ủy ban Tỉnh Zlín. Ông P. Velev, Giám đốc Quỹ Tomas Bata giới thiệu cho các em sinh viên cuộc đời và sự nghiệp của Ngài Bata. Ông là một nhà công nghiệp, đã kinh doanh và xây dựng hơn 30 ngành công nghiệp ở Tiệp Khắc, trước hết đứng đầu là ngành công nghiệp sản xuất giày, xây dựng đường sắt, công nghiệp hóa chất, công nghiệp ô-tô, công nghiệp in ấn, điện ảnh, sản xuất giấy… và đến công nghiệp chế tạo máy bay. Ngay từ thời của mình, những năm đầu thế ký 20, Ông đã đi máy bay riêng của mình đến nhiều thành phố trên thế giới để hoạt động kinh doanh. Đế chế BATA hiện giờ có mặt ở khắp nơi trên thế giới, từ Toronto Canada, Mỹ, đến Ý, Séc, sang Dubaj, Trung Quốc, Việt Nam, Filipin, Úc và các nước Châu Phi. TS. Phan Đạo cho biết, tập đoàn Bata trước năm 1975 đã hoạt động kinh doanh tại Sài Gòn rất thành công.
Phần hấp dẫn và gây nhiều tò mò trong ngày, là sau khi ăn trưa, đoàn đã đến tham quan Trung tâm polymer của ĐH Tomas Bata. GS Saha và học trò của GS, tiến sĩ Lê Quốc Bảo, giảng viên TDTU sang làm nghiên cứu viên tại Trung tâm. Đoàn đã được đi tham quan 20 phòng lab hiện đại trong tổng số gần 100 phòng lab của Trung tâm với những thiết bị tiên tiến và hiện đại nhất ở Châu Âu và thế giới. Các em sinh viên nay được biết polymer được dùng trong nhiều lãnh vực, không chỉ là lốp xe, đệm... mà polymer được ứng dụng vào trong y học, trong nghiên cứu chế tạo ắc quy cho xe hơi điện, trong công nghiệp vật liệu hàng không... Trong 3 giờ tham quan các em đã được GS Saha truyền cảm hứng về polymer.
Trở về Ostrava sau 1 ngày mệt nhọc và đầy ắp thú vị. Chúng tôi sẽ trở lại Zlín, thành phố của những ngọn đồi, với ĐH Tomas Bata và đặc biệt là Trung tâm polymer. Tại sao không? Việt Nam đang rất cần công nghệ chế biến cao su cho quê nhà...
Một số hình ảnh trong chuyến tham quan:
Sinh viên TDTU trước tượng Tổng thống đầu tiên Cộng hòa liên bang Tiệp Khắc T.G. Masaryk, quảng trường Trường đại học Tomas Bata, Zlín (7/2019)
Biệt thự "Vua giày thế giới" Tomas Bata, Zlín (7/2019)
GS. Petr Saha đang truyền cảm hứng "polymer" cho sinh viên TDTU, Zlín (7/2019)
TS. Lê Quốc Bảo trong phòng lab của mình ở Trung tâm polymer, ĐH Tomas Bata, Zlín (7/2019)
TS. Lê Quốc Bảo trong phòng lab của mình ở Trung tâm polymer, ĐH Tomas Bata, Zlín (7/2019)