Ngày 12/1/2017, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã tổ chức buổi gặp mặt đầu năm với lãnh đạo các trường đại học Cộng hòa Séc. Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn và TS. Lukáš Kaucký,Thứ trưởng Bộ ngoại giao đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có các giáo sư, hiệu trưởng các trường: Đại học Sác-lơ, Đại học kỹ thuật Praha, Đại học kỹ thuật Ostrava, Đại học hóa công nghệ Praha, Đại học Tomas Bata, Đại học kinh tế Praha, Đại học nông nghiệp Praha, Đại học Pardubice... là các đại học hàng đầu của Cộng hòa Séc. TS. Phan Đạo, Giám đốc Trung tâm hợp tác Châu Âu, thay mặt Trường đại học Tôn Đức Thắng đã tham dự và tài trợ cho hội thảo này. Tham dự Hội thảo còn có ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội người Việt ở Châu Âu, TS. Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại CH Séc, ông Giang Thành, Phó chủ tịch và TS. Lê Duy Kỳ, Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn, trong phát biểu khai mạc, đã đánh giá ngắn gọn những thành tựu đạt được trong 67 năm qua giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Séc, trong đó nổi trội lãnh vực hợp tác giáo dục và đào tạo. Cho đến những năm 90 của thế kỷ 20, Cộng hòa Séc, trước đây là Tiệp Khắc đã đào tạo cho Việt Nam khoảng 10 ngàn kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ kỹ thuật trung cao cấp. Hầu hết trong số đó đã trở về Việt Nam và đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo quốc gia của Việt Nam như nguyên Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm, cố Ủy viên BCT Hồ Đức Việt, Trưởng ban tổ chức TW Đảng, GS. TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, Thứ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ công thương Đỗ Thắng Hải... Đó là cơ sở là nền tảng cho sự hợp tác thành công trong thời gian đến.
Đại sứ đánh giá sự cao hợp tác giáo dục, đào tạo trong 10 năm trở lại đây, với sự nổi trội là hợp tác song phương giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của hai nước như Đại học Tôn Đức Thắng, Trung tâm hợp tác chuyên gia Bộ giáo dục và đào tạo, Trường đại học nông nghiệp Hà Nội,... đã hợp tác thành công với các Trường đại học của Séc như Đại học Sác-lơ, Đại học kỹ thuật Ostrava, Đại học Tomas Bata, Đại học hóa công nghệ Praha, Đại học nông nghiệp... Hiện có khoảng 500 du học sinh VN, từ nhiều nguồn khác nhau đang học tại CH Séc; trong khi sự hợp tác ở cấp nhà nước có khuynh hướng chững lại, ngoại trừ hiện có khoảng 60 sinh viên và nghiên cứu sinh Đại học kỹ thuật quân sự đang học tập tại Đại học quốc phòng Brno. Đại sứ cũng đánh giá cao Trường đại học Sác-lơ, Trường đại học nông nghiệp Praha đã gửi nhiều sinh viên Séc sang học tập về văn hóa. lịch sử và nông nghiệp ở các trường đại học Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Đại sứ, sự hợp tác này vẫn chưa đáp ứng được mong đợi, kỳ vọng, chưa xứng tầm với truyền thống quan hệ hữu nghị và tiềm năng hợp tác của hai quốc gia. Đại sứ thẳng thắn đưa ra các vấn đề, những rào cản mà các bên cần phải hợp tác giải quyết. Trước hết là việc quảng bá về nền giáo dục đại học Séc tại Việt Nam chưa tương xứng; các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh của Séc chưa thực sự hấp dẫn trong khi các chương trình đào tạo từ Mỹ, Anh, Úc đang thu hút giới trẻ Việt Nam, tiếp đến là thủ tục xin visa qua hệ thống visapoint là trở ngại lớn cho việc xin thị thực vào Séc...
Thứ trưởng Bộ ngoại giao L. Kaucký trong phát biểu của mình đã khẳng định sự hợp tác giữa hai nước chưa bao giờ năng động và gắn bó như hiện nay và cộng đồng người Việt Nam lớn mạnh hơn 60 ngàn người ở Séc. Việt Nam hiện nằm trong số quốc gia ưu tiên trong quan hệ với nước ngoài của Séc. Cuối năm ngoái hai nước đã ký thỏa thuận về hợp tác về giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao. Séc sẽ cố gắng để vấn đề cấp visa cho du học sinh dễ hơn, Tuy nhieen việc giải quyết vấn đề visa cần sự đồng thuận tử các bộ có liên quan như Bộ nội vụ, Bô giáo dục, thanh niên và thể thao Séc... Thứ trưởng cũng cho biết, một trong các giải pháp đóng góp cho sự phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa và giáo dục giữa hai nước là việc Chính phủ Séc sẽ mở lãnh sự quán Séc tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2018. Chính phủ Séc sẽ ủng hộ các cam kết hợp tác của các trường đại học Séc với Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Trương Mạnh Sơn đã trao Kỷ niệm chương vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc cho GS. Michal Lošťák – nguyên Hiệu phó Trường đại học nông nghiệp Praha vì những cống hiến cho sự hợp tác đào tạo và giáo dục giữa hai nước.
Đại diện các trường đã giới thiệu các hình thức đào tạo hiệu quả cho sinh viên Việt Nam, hợp tác nghiên cứu hay cho nhiều ý kiến xung quanh hình thức đào tạo, dạy tiếng Séc cho du học sinh, quảng bá nền giáo dục Séc đối với sinh viên Việt Nam, tìm nguồn tài chính để cuốn hút được nhiều hơn các sinh viên Việt Nam mà đặc biệt là tạo điều kiện cấp visa cho du học sinh Việt Nam sang Séc học tập, nghiên cứu. Lãnh đạo các trường cũng mong Bộ ngoại giao Séc tại điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết visa cho sinh viên và nghiên cứu sinh.
Kết thúc buổi hội thảo, Đại sứ Trương Mạnh Sơn khẳng định, các cơ quan chức năng của hai nước, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Séc, tiếp tục là cầu nối hữu hiệu hơn nữa cho sự hợp tác giáo dục, đào tạo và nhấn mạnh các giải pháp cho việc thực hiện, bao gồm:
1) Hai nước cần sớm ký lại Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong đó có vấn đề công nhận văn bằng của nhau.
2)Duy trì và tăng số lượng các học bổng của Chính phủ Séc cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam.
3) Chính phủ Việt Nam sẽ cấp thêm nhiều học bổng cho sinh viên Séc.
4) Các trường đại học Séc cần quan tâm đến việc quảng bá tại Việt Nam và mở rộng các hình thức hợp tác.
5) Tăng cường hợp tác song phương giữa các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp giữa hai nước không những trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, mà còn trong lãnh vực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Một số hình ảnh ghi nhận trong buổi Gặp mặt năm mới 2017 giữa Đại sứ quán Việt Nam và các trường đại học Cộng hòa Séc: