Từ 23-26/05/2023, TS. Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU), và TS Phan Đạo - Giám Đốc Trung tâm Hợp tác Châu Âu và các thành viên trong đoàn công tác TDTU đã có chuyến thăm và làm việc với Đại học Tomas Bata (UTB), Đại học Kỹ thuật Ostrava (VSB-TUO) và Đại học Tổng hợp Ostrava (UO) Cộng hòa Séc.
Quan hệ hợp tác giữa TDTU với hai Trường VSB-TUO và UTB được ký kết từ năm 2011. TS. Phan Đạo là cựu sinh viên, nghiên cứu sinh của VSB-TUO và TS. Trần Trọng Đạo là cựu sinh viên (alumni) VSB-TUO và cựu nghiên cứu sinh UTB. Sự hợp tác này là tiếp nội những quan hệ hợp tác trước đó mà TS. Phan Đạo đã nhiều năm xây dựng (từ 2001) và thực hiện từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Sau 10 năm gián đoạn hợp tác (1991-2000), vì những thay đổi thể chế; nhóm sinh viên đầu tiên từ Việt Nam sang học ở CH Séc học tập là vào năm 2001. TS. Trần Trọng Đạo là một trong số 20 sinh viên đầu tiên Chương trình Du học Séc. Và giờ là alumni nổi bật nhất từ năm 2000 đến nay. Trước đó, những anh chị thế hệ trước học tập ở Tiệp Khắc là những alumni nổi tiếng góp phần làm nên thương hiệu giáo dục Tiệp Khắc (nay là CH Séc và Slovakia). Nguyên Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao, cựu NCS VSB-TUO; đương kiêm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, NCS Đại học kinh tế Bratislava và Phu nhân của Chủ tịch, Bà Nguyễn Vân Chi, Đại biểu quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, là cựu sinh viên và NCS Đại học kinh tế Praha…
Trong chuyến thăm và làm việc lần này, Hiệu trưởng TDTU, UTB, Giám đốc ECC và Trưởng khoa Khoa Quản trị và Kinh tế, UTB đã ký kết thỏa thuận hợp tác song phương đào tạo tiến sĩ hình thức kết hợp (bán thời gian) ở các ngành Quản trị, Tài chính, Kỹ thuật công nghiệp. Đoàn công tác TDTU cũng đến thăm và làm việc với một số khoa, thúc đầy việc hợp tác liên kết đào tạo (ngành Tài chính và công nghệ tài chính, Khoa FaME), nâng tầm Hội thảo ICFE (International Conference on Finance and Economics) để hội thảo sớm được vào trong danh mục ISI hoặc Scopus…; đẩy mạnh các hoạt động của Trung tâm Bata tại TDTU; mở rộng hợp tác đào tạo và nghiên cứu ở các ngành mới bao gồm: trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, tự động hoá, truyền thông đa phương tiện, công nghệ vật liệu và polymer…
Trong 2 ngày làm việc tại Ostrava (25-26.5). Đoàn đã thăm và làm việc với lãnh đạo VSB-TUO. Hiệu trưởng TDTU, VSB-TUO, Giám đốc ECC và lãnh đạo Khoa Kỹ thuật điện – Khoa học máy tính (FEECS), Khoa kinh tế (FE) đã ký kết đề án thực hiện chương trình hợp tác ký kết thỏa thuận hợp tác song phương đào tạo tiến sĩ hình thức kết hợp (bán thời gian) ở 9 ngành / chuyên ngành ở Khoa FEECS và 4 ngành / chuyên ngành ở Khoa FE. Hiệu trưởng 2 Trường đã xác nhận một số lĩnh vực nghiên cứu chung trong tương lai, ví dụ như hợp tác nghiên cứu thử nghiệm drone trong lĩnh vực nông nghiệp, phòng chống chữa cháy…, nghiên cứu về khoa học vật liệu. Đoàn công tác ấn tượng mạnh mẽ khi đến thăm các cơ sở phòng thí nghiệm ở Khoa cơ khí và Khoa FEECS của VSB TUO. TS. Trần Trọng Đạo đã tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ ngành tự động hóa Khoa cơ khí vào năm 2006.
Đoàn công tác Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã có buổi trò chuyện và làm việc với Hiệu trưởng, Hiệu phó, lãnh đạo khoa Y của Đại học Tổng hợp Ostrava. Trường Đại học Tổng hợp Ostrava cũng đã có những dự định và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác phát triển với TDTU trong lĩnh vực y khoa. Hai bên đã xem xét về khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, đào tạo bác sĩ và tiến sĩ y khoa … Sau buổi thảo luận, đoàn tham quan cơ sở đào tạo y khoa của Trường - một trong hai cơ sở được EU tài trợ về thiết bị đào tạo y khoa lớn nhất của Cộng hoà Séc.
Tại các buổi làm việc với đối tác, Hiệu trưởng TDTU nhiều lần giới thiệu TS. Phan Đạo là đại diện, Đại sứ TDTU tại CH Séc và Châu Âu. Hiệu trưởng đã giao nhiệm vụ cho TS. Phan Đạo, giám đốc ECC, tiếp tục trao đổi với các trường đối tác xây dựng các chương trình, đề án mà TDTU và các trường đối tác đã thống nhất trong các buổi làm việc, để sớm ký kết và triển khai thực hiện.